HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ
Lịch sử làng gốm Bát Tràng theo sử sách và câu chuyên dân gian
Theo sử sách ghi lại thì thời gian hình thành làng gốm Bát Tràng được tính vào khoảng thế kỷ 14 – 15.
Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi chép lại “Làng Bát Tràng làm đồ chén bát”, “Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Huê Cầu thuộc huyện Văn Giang. Hai làng này đều cung ứng đồ cống cho Trung Quốc là 70 bộ bát đĩa và 200 tấm vải thâm”…
Theo những câu chuyện kể dân gian được truyền lại lịch sử Bát Tràng được hình thành trước khi có ghi lại trong sử sách do 3 vị thái học sinh trên đường đi sứ Bắc Tống đã học được các kỹ thuật làm gốm của người dân nơi đây và truyền lại cho người dân tại nước ta.
Trong gia phả của nhiều dòng họ tại Bát Tràng cũng ghi lại những dấu ấn lịch sử hình thành làng nghề Bát Tràng, sự xuất hiện của các sản phẩm gốm sứ trong đời sống của người dân với những loại hoa văn, họa tiết màu men khác nhau. Điều này cũng đã được những nhà khảo cổ hiện đại xác nhận qua các dấu tích của các lớp đất nung và mảnh gốm tìm thấy được ở các vùng Thanh Hóa, Ninh Bình…
Thời kỳ phát triển hưng thịnh của làng gốm Bát Tràng
Vào thế kỷ 15 và 16, nhà Mạc áp dụng chính sách cai trị cởi mở khiến cho giao thương hàng hóa được phát triển, các sản phẩm đồ gốm Bát Tràng cũng có cơ hội lưu thông rộng rãi trong cả nước. Người sử dụng chủ yếu vẫn là giới quý tộc, hoàng thất,… trải dài khắp các vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Sang đến thế kỷ 16 – 17, khi các nước Tây Âu tràn sang khu vực châu Á lại càng khiến cho hoạt động kinh tế, giao thương trở lên sôi động hơn nữa. Đặc biệt là sự ra đời của nhà Minh (Trung Quốc) cùng với chính sách cấm tư nhân buôn bán với nước ngoài lại càng khiến cho hoạt động xuất khẩu đồ gốm Bát Tràng sang các nước như Nhật Bản có cơ hội được phát triển và du nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây.
Thế kỷ 15 – 17 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử hình thành của làng gốm Bát Tràng và của ngành gốm xuất khẩu của nước ta trong đó Bát Tràng là nơi đóng vai trò quan trọng nhất. Bát Tràng có một lợi thế lớn đó là nằm bên bờ sông Hồng ở khoảng giữa thành Thăng Long và phố Hiến, là cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Qua thuyền buôn của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước Tây Âu đồ gốm Việt Nam đã được đưa đi rất nhiều nước khác trên thế giới.
Thời kỳ suy thoái của các sản phẩm gốm sứ
Vào thời điểm triều Thanh bãi bỏ các chính sách cấm vận buôn bán với nước ngoài đã khiến cho các sản phẩm gốm sứ của nước ta không có nhiều cơ hội tiếp cận đến các thị trường Đông Nam Á. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, sau khi họ có chính sách bảo vệ nguyên liệu quý thì nên kinh tế trong nước đã có sự phát triển vượt bậc và không còn phải đi mua của nước ngoài.
Đến khoảng thế kỷ 18 – 19, triều Trịnh Nguyễn đưa ra các chính sách hạn chế ngoại thương lại càng khiến cho quan hệ giao thương giữa Việt Nam và nhiều nước khác bị giảm sút trầm trọng, từ đó sản phẩm gốm sứ cũng không còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Làng gốm Bát Tràng thời hiện đại
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, khi nhà nước đang trong chế độ hình thành các hợp tác xã thì tại làng gốm Bát Tràng cũng được ra đời Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, có các công nhân làm việc tại đây. Họ được thực hành và sáng tạo trong nghề gốm từ đó đã tạo nên một thế hệ có tay nghề làm gốm nổi tiếng như Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam…
Đến khi nước ta gia nhập nền kinh tế thị trường, thì làng gốm cũng có nhiều sự chuyển biến. Các hợp tác xã bị giải thể thay vào đó là các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng này cùng với các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ đã tạo nên một làng gốm Bát Tràng nổi tiếng của nước ta.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, lịch sử hình thành làng nghề Bát Tràng đã bắt đầu từ hàng trăm năm trước. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, thời kỳ hưng thịnh và suy thoái khác nhau trong từng giai đoạn nhưng làng gốm Bát Tràng vẫn luôn vững vàng, tự hào là làng nghề gốm sứ lâu đời nhất và lớn nhất tại nước ta.
Hiện nay, các sản phẩm gốm Bát Tràng đang ngày càng trở lên phong phú và đa dạng, bên cạnh các mặt hàng truyền thống thì Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Từ đây, mặt hàng gốm sứ Bát Tràng cũng đã có mặt trên thị trường nhiều nước châu Âu, châu Á. Một số nghệ nhân đã thành công trong việc khôi phục lại những đồ gốm cổ truyền với kiểu dáng, nước men từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc…